Làm cơm cháy nhỏ không phải chuyện đơn giản. Miếng nhỏ nhưng công đoạn không nhỏ. Làm sơ sài thì giòn không đều, ngấm dầu, để vài ngày là mềm. Làm kỹ quá thì tốn thời gian, giá thành cao, khó bán sỉ.
Tụi mình bắt đầu làm cơm cháy từ năm 2012. Lúc đó chưa có máy móc nhiều, ép tay, phơi nắng, chiên bằng bếp dầu.
Vừa làm vừa học. Sai thì sửa, thất bại thì làm lại. Tới nay, tụi mình vẫn đang sản xuất mỗi ngày cho hàng trăm mối sỉ trên toàn quốc, từ xưởng nhỏ cho tới đại lý phân phối.
Vậy nên, bài này mình không dạy ai cả, chỉ chia sẻ kinh nghiệm thật – ai cần thì tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Muốn cơm cháy nhỏ giòn ngon: Phải phối trộn kỹ – sấy chuẩn – chiên đúng
Khó nhất khi làm cơm cháy nhỏ là kiểm soát độ đều. Miếng nhỏ dễ nổ, dễ gãy, dễ hút dầu. Cái khéo là ở chỗ:
Gạo chọn đúng: không quá dẻo, không quá khô. Tụi mình thường dùng gạo st25 trộn một phần gạo thơm.
Ép đều tay hoặc đều lực (nếu dùng máy): sai một chút, miếng bị cong hoặc nổ rỗng.
Thuận Khánh thì sử dụng máy để tạo ra phôi tròn snack 2 – 3cm hoàn toàn công nghiệp, không thủ công
Sấy đúng độ khô: nếu ẩm quá, chiên lên bể mặt hoặc mềm lẹ.
Chiên đúng nhiệt: không quá nóng, không quá nguội. Quan trọng là ổn định suốt quá trình chiên.
Tụi mình mất gần 2 năm mới chốt được thông số ổn định. Từ đó đến giờ mới dám nhận đơn sỉ số lượng lớn.
2. Chọn vị gì để dễ bán? Làm ít thôi, nhưng trúng
Không phải cứ làm nhiều vị là bán chạy. Tụi mình từng thử gần 10 vị – từ cay, phô mai, đến sữa dừa – nhưng cuối cùng giữ lại 3 vị:
Mắm hành: đậm đà, hợp khẩu vị miền Tây. Ăn miếng đầu là muốn ăn tiếp.

Chà bông: vị mặn nhẹ, thơm, dễ dùng cho cả người lớn và trẻ em.

Rong biển: hợp nhóm văn phòng, người thích ăn vặt mà ít ngán.
Nếu đang bắt đầu bán sỉ hoặc sản xuất, lời khuyên là đừng tham vị, chọn đúng gu khách thôi. Làm ít, mà bán đều.
3. Đóng gói – bảo quản: Tiểu tiết nhưng sống còn
Miếng cơm cháy nhỏ nếu không bảo quản kỹ sẽ mềm rất nhanh. Đặc biệt là khi đi tỉnh xa, qua mấy ngày là mất độ giòn. Giải pháp tụi mình áp dụng:
Túi 3 lớp có tráng bạc: giữ độ giòn tốt.
Hút chân không: giúp sản phẩm ít bị oxy hóa.
Thêm gói hút ẩm nếu cần: nhất là lúc giao hàng ở khu vực ẩm thấp hoặc mùa mưa.
Khách hàng ăn thử thấy ngon thì mới quay lại. Bán 1 lần dễ, giữ khách mới khó.
4. Đừng đua giá, đừng chạy rẻ
Nhiều xưởng mới thường hạ giá bằng cách làm mỏng, chiên nhanh, dùng dầu chiên đi chiên lại. Giá rẻ thật – nhưng khách ăn một lần là dẹp luôn.
Tụi mình học được bài học: cơm cháy không cần rẻ nhất, chỉ cần chất lượng ổn định. Người bán sỉ, người mở đại lý cần cái đó để giữ uy tín. Làm ăn lâu dài phải có tâm, chứ không phải lúc nào cũng “đánh nhanh thắng nhanh”.
Một hành trình dài từ sản xuất đến xuất xưởng
Cơm cháy nhỏ – nghe thì nhỏ, nhưng không hề đơn giản. Làm được sản phẩm ngon, đều, bảo quản tốt và bán được bền – là cả một hành trình.
Nếu bạn đang bắt đầu, đừng nôn nóng. Học từ thất bại, làm cho kỹ, chọn cho đúng. Khách ăn ngon rồi sẽ tự quay lại – không cần quảng cáo quá nhiều đâu.